Các nguyên nhân gây mất an toàn phòng cháy của loại hình nhà ống

Nhà ống ở Việt Nam còn có nhiều vấn đề khác về kiến trúc. Những tồn tại này gây mất an toàn cho người và tài sản khi không may sảy ra sự cố hỏa hoạn

yếu tố mất an toàn của nhà ống

Chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất

"Các gia chủ thường chủ quan về nguy cơ xảy ra hỏa hoạn nên không có phương án phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm khi thiết kế, xây dựng nhà ở", kiến trúc sư Đức Anh phân tích. Gần 20 năm làm nghề, ông từng bị một số chủ nhà mắng là "nói gở mồm" khi chủ động tư vấn và đưa ra giải pháp thoát hiểm.

Nhà ống Chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất

Không làm lối thoát hiểm nên khi sự cố xảy ra, chủ nhà chỉ có thể thoát thân bằng cửa ra vào. Vấn đề ở chỗ, trong các ngôi nhà ống, lối ra vào cũng là chỗ để xe cộ, gây khó khăn khi di chuyển. Kiến trúc sư Trần Việt Phú (Hà Nội) nói thêm: "Nhiều gia đình bố trí chỗ để xe cùng tầng với bếp. Trường hợp hỏa hoạn xuất phát từ bếp, lửa rất dễ bén sang xe máy và gây ra hậu quả nghiêm trọng".

Quá tận dụng diện tích

"Sau sự chủ quan là tâm lý muốn tận dụng từng cm đất", kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh (Hà Nội) nhận định. Nhiều gia chủ lấn chiếm, tận dụng hết vỉa hè để nhà được rộng hơn. Ở các tầng trên, họ cũng không nghĩ đến chuyện làm ban công, logia mà xây hết để tăng diện tích phòng ở. Trên thực tế, sự tham lam này chỉ có thể làm diện tích ở tăng lên nhưng chất lượng sống lại giảm xuống. Ngôi nhà trở nên kín, bí bách, không khí không được lưu thông, không có "khoảng đệm" để ngăn chặn những tác động tiêu cực của môi trường... gây tác động xấu đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Nhà quá kín

Các căn nhà ở đô thị, nhà phố thường ít mặt thoáng, thậm chí chỉ có duy nhất một mặt thoáng phía trước. Tuy nhiên, do lo ngại vấn đề an ninh, nhiều gia chủ chọn bít kín các khoảng hở, ban công và cửa sổ rất bé hoặc được quây lồng sắt. Cửa chính của nhiều ngôi nhà còn được "bảo hiểm" bằng ít nhất hai lớp, cửa gỗ và cửa sắt (hoặc cửa cuốn). Đối với các hộ kinh doanh ở mặt đường, mặt tiền thường bị che kín bởi biển quảng cáo quá cỡ.

Đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở thoát hiểm hoặc cứu hộ khi cần thiết.

Thiếu thiết bị cứu hộ

"Nhiều nhà mặt phố tận dụng nơi ở làm chỗ kinh doanh nhưng không đáp ứng quy chuẩn phòng cháy chữa cháy của cửa hàng như hệ thống báo cháy, bình chữa cháy", kiến trúc sư Phú phân tích. Các gia đình này cũng hay tích nhiều mặt hàng ở nhà, khiến nơi ở thành một cái kho mà không biết điều này vừa khiến không gian chật chội vừa tạo điều kiện cho sự cố xảy ra.

Hệ thống điện không đảm bảo

Các ngôi nhà cũ (với tuổi đời khoảng 20 năm trở lên) hầu như không có sự tư vấn của kiến trúc sư nên hệ thống điện có thể không thiết kế theo tiêu chuẩn. Trải qua quá trình sử dụng dài, hệ thống bị lão hóa, xuống cấp cũng dễ gây sự cố.

Nguồn: vnexpress